* Điều gì đã đưa chị đến với lĩnh vực làm đẹp?
- Khi tốt nghiệp đại học, tôi gặp ông xã hiện tại - một người Hàn Quốc. Chúng tôi nắm bắt được xu hướng Việt Nam sau này sẽ đi theo con đường phát triển tương tự Hàn Quốc nên xây dựng công ty từ năm 2006, trong đó đặt giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là con người. Chính vì thế, công ty tập trung vào các lĩnh vực làm đẹp, thời trang, spa…
Sau khi được khách hàng tin tưởng và xây dựng được thương hiệu trên thị trường, tôi bắt đầu kinh doanh những sản phẩm phục vụ đời sống khác. Nhưng, các sản phẩm về chăm sóc sức khỏe, làm đẹp từ thương hiệu uy tín của Hàn Quốc vẫn là chủ lực của công ty.
* Hàn Quốc đã có một chỗ đứng nhất định trong lĩnh vực làm đẹp. Tuy nhiên, việc tạo dựng thương hiệu Hàn tại Việt Nam liệu có dễ khi văn hóa hai nước khác biệt?
- Văn hóa làm đẹp của Hàn Quốc và Việt Nam đúng là có sự khác biệt. Chẳng hạn, người Hàn rất chăm chút vẻ bề ngoài, da không cần trang điểm vẫn rạng rỡ, mỗi lần xuất hiện đều chỉn chu về quần áo. Bên Hàn Quốc tư tưởng của họ được xác định là luôn phải đẹp nên những công ty sản xuất mỹ phẩm hoặc đồ làm đẹp, thời trang rất được mọi người ủng hộ.
Còn chúng ta có tư tưởng ăn no rồi mới làm đẹp (cười). Tuy nhiên khi kinh tế đi lên, người Việt đang dần thay đổi quan điểm này và chăm chút cho vẻ đẹp của mình hơn. Người Việt Nam có xu hướng chọn những sản phẩm được sản xuất tại nơi có thời tiết, kết cấu da giống mình, nên những sản phẩm của Hàn Quốc hay Nhật Bản thường được ưa chuộng và sử dụng. Trước đây, vì ảnh hưởng từ làn sóng Hàn Quốc trên phim ảnh, âm nhạc, chương trình truyền hình thực tế, ẩm thực, du lịch nên người nổi tiếng quảng cáo cái gì thì người Việt mua cái đó.
Tuy nhiên bây giờ, bây giờ việc mua sắm phần nào bị ảnh hưởng bởi kinh tế. Thay vì dễ dàng tung tiền mua một sản phẩm nào đó về sử dụng, người ta khắt khe, cân nhắc nhiều hơn. Họ không còn mù quáng đổ xô đi mua mà thay vào đó là tìm hiểu, xem xét công dụng, nguồn gốc, thành phần, có lành tính không, nhiều người ủng hộ không…